- Vị trí, đơn vị hành chính, dân số
Xã Cát Tài nằm ở phía Đông Bắc huyện Phù Cát, cách trung tâm huyện hơn 15km. Phía Bắc xã có dòng sông La Tinh tạo thành ranh giới tự nhiên với xã Mỹ Tài huyện Phù Mỹ. Phía Nam là phần đất thuộc dãy Núi Bà, tiếp giáp với các xã: Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng. Phía Đông giáp các xã: Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành và phía Tây giáp xã Cát Hanh.
Trải qua quá trình hình thành, phát triển và nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính. Hiện nay, xã Cát Tài có 8 thôn, trong đó 5 thôn có phần đất nằm trên trục đường ĐT 633, tính từ Tây sang Đông là Vĩnh Thành, Hòa Hiệp, Thái Phú, Thái Thuận và Chánh Danh; 3 thôn còn lại nằm ở phía Bắc xã dọc theo sông La Tinh là Thái Bình, Cảnh An và Phú Hiệp.
Diện tích tự nhiên 3.885,29 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 3.027,26 ha, toàn xã có 8 thôn với hơn 3.059 hộ, 11.342 nhân khẩu, ngành nghề chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp; Công nghiệp – xây dựng; Thương mại – dịch vụ và một bộ phận nhỏ sống nghề buôn bán.
- Địa hình
Địa hình xã Cát Tài tương đối phức tạp, có nhiều thế đất khác nhau, với đủ các yếu tố cảnh quan địa lý như núi non, gò đồi, ao hồ và đồng ruộng. Tính theo chiều Đông – Tây và lấy Tỉnh lộ 633 làm chuẩn thì địa bàn của xã chia làm 3 vùng rõ rệt. Phần đất nằm dọc theo hai bên Tỉnh lộ 633 là khu dân cư đông đúc và những cánh đồng tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc trồng lúa; Diện tích đất ở phía Nam đa phần là gò đồi, có độ dốc lớn thuận lợi cho việc phát triển cây lâm nghiệp; Phía Bắc giáp lưu vực sông La Tinh là những vùng đất phì nhiêu thuận lợi cho việc phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Nhìn trên bản đồ địa chính, xã Cát Tài có hình thể giống như con cá sấu đang nằm, lưng tựa vào Núi Bà, đầu hướng ra biển Đông.
- Khí hậu
Xã Cát Tài nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới duyên hải Nam Trung Bộ, có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa. Hàng năm chia làm hai mùa rõ rệt, mùa nắng kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8, mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, trong mùa mưa thường chịu ảnh hưởng các cơn bão kèm mưa lớn với tần suất trung bình từ 01 – 02 cơn/năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26°C, lượng mưa trung bình 1.800 – 2.000 mm/năm, độ ẩm bình quân hàng năm khoảng 79,6%.
- Sông suối, hồ, đập
Ở phía Bắc của xã có sông La Tinh bắt nguồn từ Cát Sơn chảy xuống Cát Lâm, Cát Hanh qua Cát Tài, Cát Minh rồi đổ ra biển Đông tại cửa Đề Gi. Đoạn sông chảy qua xã Cát Tài dài khoảng 9km thuộc địa phận 6 thôn: Vĩnh Thành, Hòa Hiệp, Thái Phú, Thái Bình, Cảnh An và Phú Hiệp. Đây là một trong những con sông lớn của tỉnh Bình Định. Trên sông La Tinh có 2 đập dâng là đập Cây Gai thuộc địa bàn xã Cát Lâm và đập Cây Ké thuộc địa bàn xã Cát Tài. Hai đập dâng này tưới toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Cát Tài.
Địa bàn xã nằm cạnh dãy Núi Bà nên Cát Tài có nhiều suối lớn, nhỏ, hồ, đập như: Suối Chùa, suối Lục, đập Quang, hồ Hố Xoài và hệ thống kênh mương bê tông được xây dựng để dẫn nước tưới tiêu cho các đồng ruộng trên toàn xã.
- Giao thông
Xã Cát Tài có vị trí thuận lợi, có đường Tỉnh lộ 633 đi qua dài 6km, bắt đầu từ điểm tiếp nối với Quốc lộ 1A ở phía Tây tại chợ Gồm (xã Cát Hanh) chạy thẳng xuống cửa biển Đề Gi (xã Cát Khánh). Đây là trục đường huyết mạch phục vụ đi lại và giao thương buôn bán của Nhân dân trong xã với các vùng xung quanh. Ngoài ra, xã có đường bê tông chạy dọc theo sông La Tinh chiều dài 9km từ xã Cát Hanh đến xã Cát Minh; có đường ngang dài 5km từ trung tâm xã Cát Tài đến xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ. Bên cạnh đó, hệ thống cầu cống được xây sửa kiên cố, các con đường nối liền các thôn được mở rộng, nhựa hoá, bê tông hóa thuận tiện cho giao thông và đi lại của bà con nhân dân. Đây là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển, giao lưu kinh tế – xã hội trong và ngoài huyện.