Bí ẩn tháp Hòn Chuông qua 5 thế kỷ bị lãng quên, Bình Định tìm hướng tu bổ tháp

Bao nhiêu bạn đã đặt chân đến?

Trong số những đền, tháp Champa hiện còn, có một kiến trúc được xây dựng ở vị trí khá đặc biệt, thuộc vùng đất của kinh đô Đồ Bàn (châu Vijaya) bị lãng quên hơn 5 thế kỷ, đó là tháp Hòn Chuông.

Tháp Hòn Chuông

Tháp Hòn Chuông (hay còn gọi là Hòn Bà, Bà Chằng) nằm trên đỉnh ngọn núi Bà ở độ cao 727 m, thuộc địa phận thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50 km về hướng bắc và cách kinh đô Vijaya khoảng 20 km về hướng đông bắc.

Đây là một công trình nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa rất đặc biệt và độc lạ ở huyện Phù Cát nay đã xuống cấp mà chưa được tôn tạo, trùng tu. Ngành Văn hóa tỉnh Bình Định đang tìm hướng tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Hòn Chuông.

Ông Nguyễn Bá Hậu, trú ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát – Chủ nhiệm Câu lạc bộ leo núi Cát Tài là người thường xuyên dẫn các đoàn khách đến tham quan khu vực tháp Hòn Chuông. Từ trung tâm xã Cát Tài để vào được tháp Hòn Chuông phải đi vòng vèo 14km, trong đó đi bộ đường rừng khoảng 6km.

Những năm qua, rất nhiều du khách đến tháp Hòn Chuông khám phá nhưng rất ít du khách lên được đỉnh tháp này, bởi tháp được xây dựng trên một khối đá lớn ở đỉnh núi.

Đỉnh núi này cao thứ hai trong dãy núi Bà, có độ cao 800m so với mặt nước biển. Ở phía trước tảng đá Hòn Chuông còn có một tảng đá khác nhỏ hơn đứng bên cạnh, nhìn từ xa giống như một người lớn dắt tay một đứa nhỏ.Ông Nguyễn Bá Hậu cho biết: “Tháp Hòn Chuông nằm trên cục đá khổng lồ, trên tháp này là hình vuông có chiều cao 8,5m. Hiện giờ tháp đổ ngổn ngang, nhưng không tìm lại được, tháp rất huyền bí. Không hiểu tại sao từ thế kỷ IX người Chăm xây được tháp này. Bây giờ chúng ta vẫn chưa trùng tu được”.Tháp Hòn Chuông giống như các tháp Chăm truyền thống. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt là phần chân tháp được xây thẳng khoảng 2m, sau đó tường tháp không xây thẳng đứng mà xây hơi nghiêng, nhỏ dần từ dưới lên trên.Hiện phần đỉnh tháp bị cây cối mọc um tùm bao phủ, xung quanh ngôi tháp có rất nhiều gạch rơi vãi, phủ lên nền đá. Ngôi tháp cao khoảng 7m, do tác động của thiên nhiên và thời gian đã bị hư hại một phần.Hiện trong bốn mặt của ngôi tháp thì mặt phía Đông còn nguyên vẹn nhất. Cửa Đông của ngôi tháp này không xây nhô hẳn ra như ở các tháp Chăm khác. Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy, tường của tháp dày khoảng 1,5m – 2m, các viên gạch xây so le, câu móc vào nhau tạo sự vững chắc của ngôi tháp.
Ông Phạm Đức Vinh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua đã có một số đoàn đến khảo sát và nghiên cứu về tháp Hòn Chuông, nhưng vẫn chưa có đánh giá đầy đủ về hiện trạng cũng như các thông tin cụ thể về tháp này.
Ông Phạm Đức Vinh cho biết: “Trong đoàn khảo sát vừa qua, một vài nhà khảo cổ học nói về cấu trúc xây dựng tháp Chăm này, nhưng chưa khảo sát cụ thể, chưa đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, nhìn cấu trúc xây dựng thì có thể tháp Hòn Chuông xây dựng trước tháp Bánh Ít của tỉnh Bình Định. Đề xuất của huyện là trong thời gian tới tỉnh Bình Định, cũng như các bộ, ngành có hướng hỗ trợ địa phương để tu bổ, phát huy di tích điểm tháp này”.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, ngành Văn hóa đang tiếp tục lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở cũng sẽ đề xuất việc đầu tư và bổ sung kinh phí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với các di tích như tháp Phú Lốc, tháp Bình Lâm, tháp Đôi, tháp Hòn Chuông.Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đã cử Đoàn công tác lên khảo sát tháp Hòn Chuông.
Ông Tạ Xuân Chánh cho biết, sắp tới Sở sẽ xin chủ trương tiến hành nghiên cứu, tu bổ tháp Hòn Chuông, xây dựng nơi đây trở thành điểm đến đặc biệt của tỉnh Bình Định. Ông Tạ Xuân Chánh cho biết: “Chúng tôi khảo sát nắm toàn bộ tình hình đó, trước hết xin chủ trương đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bởi vì đây di sản Quốc gia. Cũng đồng thời xin ý kiến của UBND tỉnh để qua khảo sát đề xuất chủ trương. Sắp tới đây chúng tôi báo cáo UBND tỉnh đề xuất mở con đường vào tháp Hòn Chuông.

Khảo sát tạo ra một điểm đến của Bình Định, phát huy giá trị di tích. Cái này muốn đầu tư không phải ngày một, ngày hai mà phải có một thời gian dài nghiên cứu hết sức kỹ và gắn với việc phát triển du lịch”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *