Lịch sử – Văn hoá xã Cát Tài

  1. Lịch sử

Trước năm 1470, xã Cát tài, huyện Phù Cát thuộc lãnh thổ của vương quốc Cham-pa với kinh thành Vijaya (Đồ Bàn). Năm 1471, vua Lê Thánh Tông mở rộng bờ cõi đến tận đèo Cù Mông cùng với hai châu Thăng Hoa và Tư Nghĩa lập ra Thừa Tuyên Quảng Nam gồm có 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn; riêng phủ Hoài Nhơn có 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn; xã Cát Tài thuộc huyện Phù Ly. Năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng đổi Hoài Nhơn thành Quy Nhơn. Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, Phù Ly chia thành huyện Phù Mỹ và Phù Cát, lấy sông La Tinh làm ranh giới.

Cuối thế kỷ XIX, Phù Cát có 4 tổng và 127 làng. Tháng 3/1946, thực hiện chủ trương hợp xã lần thứ nhất, xoá bỏ cấp tổng, lập thành 32 xã. Tháng 3/1948, thực hiện chủ trương hợp xã lần thứ hai; huyện Phù Cát từ 32 xã nhỏ lập thành 13 xã lớn; trong đó có xã Cát Tài. Xã Cát Tài được thành lập trên cơ sở hợp nhất 03 xã. Trong đó 02 xã của huyện Phù Cát là Đại Bàng, Vĩnh Trường và 03 thôn của xã Phú An, huyện Phù Mỹ. Đồng thời điều chỉnh sát nhập một số thôn, như Hoà Mục và Hoà Hảo thành Hoà Hiệp; Phú Đa và Phú Hội Thành Phú Hiệp; Thái Định và Thuận Lợi Thành Thái Thuận. Như vậy xã Cát Tài gồm có 08 thôn: Vĩnh Thành, Hoà Hiệp, Thái Phú, Thái Bình, Thái Thuận, Chánh Danh, Cảnh An, Phú Hiệp.

  1. Văn hoá

          – Về văn hóa xã hội, lịch sử tồn tại và phát triển trên vùng đất Cát Tài qua nhiều thế kỷ là quá trình cộng đồng dân cư làng, xã gắn kết với nhau bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của bao thế hệ, cùng nhau cải tạo thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ cuộc sống bình yên của quê hương, bảo vệ thành quả lao động gian khổ để không ngừng vươn lên đến ngày nay. Đó là quá trình hun đúc, rèn luyện nhân cách, đức tính con người Cát Tài: cần cù, sáng tạo, dũng cảm, nhân ái, vị tha, coi trọng đạo lý, vun đắp tình làng nghĩa xóm, gắn bó với con sông bến nước, dòng suối luỹ tre, những cánh đồng lắng đọng phù sa, những làng nghề truyền thống,… Tất cả những yếu tố ấy kết tinh lại thành tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước và dệt nên bản sắc văn hóa của người dân nơi đây, thủy chung, trong sáng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nhân dân xã Cát Tài qua nhiều thế hệ luôn kế thừa truyền thống tốt đẹp của ông cha, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong làng, trong họ, tinh thần bảo vệ thuần phong mỹ tục. Đặc biệt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” , “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thờ cúng ông bà tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền, những người có công với làng, với nước… Những tình cảm tốt đẹp ấy được thể hiện rõ nét trong những ngày Tết cổ truyền, ngày giỗ, chạp mã, Tết Thanh minh.

Từ xa xưa, nhân dân địa phương rất ưa chuộng các loại hình văn hóa – nghệ thuật dân gian như hát bội, hô bài chòi, hát kết,…. Đặc biệt, lễ hội bài chòi cổ được bà con nơi đây gìn giữ và phát huy đến ngày hôm nay. Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, hoà chung với không khí đón chào năm mới của đất nước; Hội bài chòi cổ dân gian xã Cát Tài được tổ chức với nội dung đa dạng và phong phú như: ca ngợi quê hương đất nước, quá trình lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa,… Cũng vào dịp này, giải bóng chuyền truyền thống mừng Đảng mừng Xuân xã Cát Tài được tổ chức, đông đảo bà con đến xem và cổ vũ.

– Về giáo dục, dưới thời phong kiến, mặc dù còn hạn chế về mở mang trường lớp nhưng người dân Cát Tài luôn tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất cho con em mình được học hành. Trải qua các thời kỳ, xã Cát Tài đều có người học rộng đỗ cao, được nhân dân kính trọng. Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, thế hệ trẻ bây giờ luôn ra sức học tập, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, mang tài sức ra phục vụ quê hương, đất nước, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

– Về tôn giáo, trên địa bàn xã Cát Tài, từ xưa người dân đã quyên góp tiền bạc xây dựng chùa chiền thờ phật như chùa Linh Ẩn, chùa Cảnh An…để cầu mong an lạc, yên vui. Nhân dân vẫn đón nhận ảnh hưởng của cả Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo và Thiên chúa giáo. Tất cả các tôn giáo đều được người dân địa phương tiếp thu, dung hòa theo nhu cầu tâm lý, tín ngưỡng của mình. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, các tín đồ Phật giáo đã đóng góp đáng kể vào cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, chùa chiền là cơ sở mật nuôi dấu cán bộ cách mạng, một bộ phận người dân trên địa bàn xã theo đạo Thiên chúa giáo, đạo Cao đài, đại đa số giáo dân có lòng yêu nước, tham gia đóng góp phục vụ sự nghiệp giải phóng quê hương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *