Thôn Phú Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định được coi là cái nôi của nghề đan đát, đây là một nghề bản địa với nguyên liệu sẵn có ở địa phương để làm ra các sản phẩm quen thuộc như: Thúng, nong, nia, rổ, sàn, dừng, lồng sen, cơi trầu, xiểng đám cưới.
Làng nghề đan đát Phú Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề tại Quyết định số 135, ngày 11/01/2024, đạt tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Làng nghề đan đát Phú Hiệp có từ lâu đời và đang tồn tại phát triển
Làng nghề đan đát Phú Hiệp có từ lâu đời và hiện đang tồn tại, phát triển. Phú Hiệp được coi là cái nôi của nghề đan đát, đây là một nghề bản địa với nguyên liệu sẵn có ở địa phương để làm ra các sản phẩm quen thuộc: Thúng, nong, nia, rổ, sàn, dừng. Đặc biệt, một số người có tay nghề cao còn tạo ra các sản phẩm cao cấp như: Lồng sen, cơi trầu, xiểng đám cưới…
Tổng số hộ dân trên địa bàn thôn Phú Hiệp là 390 hộ thì có 187 hộ có người tham gia làm nghề đan đát, với tổng số lao động tham gia làm nghề là 291 người (trong đó 142 lao động làm chuyên và 149 lao động làm nghề thời vụ), thu nhập bình quân của người lao động tham gia làm nghề là 1.200.000 đồng/người/tháng.
Mặc dù đã 64 tuổi nhưng bà Ngô Thị Thu Hà vẫn miệt mài với nghề đan đát
Trò chuyện với chúng tôi, bà Ngô Thị Thu Hà (64 tuổi) ở xóm Phú Hậu, thôn Phú Hiệp, xã Cát Tài chia sẻ: Gia đình tôi làm nghề đan đát trải qua 3 đời làm nghề, tôi làm để giữ nghề truyền thống của gia đình, của quê hương không bị mai một. Nghề đan đát có thuận lợi là bà con tận dụng lúc nông nhàn, từ trẻ em 12 tuổi trở lên đến phụ nữ, người già đều làm được. Hơn nữa nghề này không đòi hỏi vốn nhiều, nguyên liệu sẵn có tại địa phương, quy trình sản xuất đơn giản. Những sản phẩm làm ra rất gần gũi, bình dị trong đời sống hằng ngày của người dân với các sản phẩm chủ lực như: Thúng, nong, nia, rổ, sàn, dừng, mủng, giỏ, xảo.
“Nghề đan đát Phú Hiệp là nghề truyền thống có từ lâu đời và duy trì cho đến ngày nay, đã và đang ngày càng phát triển. Nghề được truyền từ đời này sang đời khác theo kiểu cha truyền con nối cho đến nay. Bà con ở đây giữ nghề như giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông. Nguyên liệu đan đát là tre được người dân làng nghề mua ở địa phương và các vùng lân cận như Mỹ Chánh, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) về cắt khúc, chẻ nan rồi phơi khô, sau đó nấu nan bằng nước muối phơi khô lần nữa đảm bảo độ bền, dẻo rồi tiến hành đan”, bà Ngô Thị Thu Hà cho hay.
187/390 hộ dân thôn Phú Hiệp có người tham gia làm nghề đan đát
Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tài Trần Công Thành, cho biết: Các sản phẩm tạo ra từ nghề thủ công đan đát được làm từ nguyên liệu là tre, mây sợi sẵn có của địa phương. Mỗi loại sản phẩm tạo ra đều có những công đoạn khác nhau, hình dáng khác nhau và mang những sắc thái và hình dáng đặc trưng riêng của làng nghề mà không giống với các sản phẩm của địa phương khác. Đồ nan Phú Hiệp được sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống hằng ngày của người dân nông thôn như: Thúng dùng làm vật dụng đong, chứa các sản phẩm nông nghiệp; nong dùng để phơi lúa, ngô, khoai; nia dùng để rê, vót, phân loại sản phẩm; rổ dùng đựng rau; sàn, dừng dùng để sàn lọc, phân loại sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm từ nghề đan đát còn được sử dụng làm công cụ phục vụ cho các buổi văn hóa văn nghệ múa hát, lễ hội đình, chùa, viết câu đối, vẽ mặt nạ, đạo cụ múa…
Nhà trưng bày sản phẩm Làng nghề đan đát Phú Hiệp
Ông Nguyễn Công Định, Trưởng thôn Phú Hiệp, xã Cát Tài, cho hay: Để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm làng nghề, địa phương đầu tư xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm Làng nghề đan đát Phú Hiệp. Chúng tôi trưng bày các sản phẩm độc đáo, quen thuộc truyền thống của làng nghề, nhằm tạo nét riêng biệt phục vụ khách du lịch tham quan và người dân địa phương được thưởng lãm những sản phẩm mang bản sắc văn hóa nơi đây.
Những sản phẩm quen thuộc được trưng bày tại Nhà trưng bày sản phẩm Làng nghề đan đát Phú Hiệp
Làng nghề truyền thống đan đát Phú Hiệp tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa đại diện vùng miền và thể hiện tính đặc trưng riêng của người dân Phú Hiệp; tạo ra sản phẩm thể hiện đời sống văn hóa lễ hội truyền thống, sinh hoạt cộng đồng góp phần tạo diện mạo, bản sắc riêng của địa phương đạt tiêu chí bản sắc văn hóa dân tộc tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Quyết định số 44, ngày 28/8/2018 của UBND tỉnh Bình Định.
Làng nghề truyền thống đan đát Phú Hiệp tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa đại diện vùng miền
Chủ tịch UBND xã Cát Tài Nguyễn Bá Quang chia sẻ thêm: Sản phẩm đan đát của làng nghề truyền thống Phú Hiệp làm ra không chỉ phục vụ tại địa phương mà còn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều vùng khác nhau như: Gia Lai, Đắk Lắk, Kontum và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, với tay nghề hiện có, hộ dân còn làm thêm nghề đan đát ghế nhựa và cho thu nhập thêm lúc nông nhàn 100.000 đồng/người/ngày. Vốn cho hoạt động nghề truyền thống rất thấp, chủ yếu sử dụng nguyên liệu hiện có tại địa phương; công nghệ đang áp dụng làm nghề chủ yếu là làm nghề thủ công. Thời gian tới, xã Cát Tài tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Ngoài ra, với lợi thế tay nghề hiện có, người dân chủ động liên hệ với các doanh nghiệp đan bàn, ghế nhựa công nghiệp tạo thêm thu nhập lúc nông nhàn./.