Lớp dân cư Việt Nam đầu tiên của Phù Cát, ngoài “tội đồ” bị lưu đày “viễn châu” của nhà Lê và lớp “tù binh” của chúa Nguyễn thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627-1672), phần lớn là lưu dân vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, tức những lớp người dưới đáy của xã hội phong kiến loạn lạc. Trên đất mới, họ sớm hòa hợp, xen cư với người Chăm và Bana bản địa, để đối phó với thiên tai và khí hậu khắc nghiệt, cùng nhau khai phá, tô điểm và bảo vệ từng thước đất quê hương. Chính những điều kiện lịch sử, kinh tế – xã hội đó tạo cho người Phù Cát có những nét riêng, mà các sử gia nhà Nguyễn trong Đồng Khánh địa chí đã nhận xét: “đôn phác, giản dị, chuyên học, nhiều người thật thà, nhã hậu”.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề: Phù Cát – Tự hào 190 năm hình thành và phát triển
Đời sống tuy rất chật vật, song Phù Cát là đất hiếu học. Về Nho học, từng sản sinh nhiều nhà khoa bảng tài cao, học rộng, liêm khiết và thân dân. Dương Định Quốc nổi tiếng thần đồng, 23 tuổi thi đỗ khoa Minh Kinh, tri huyện Tuy Viễn thời Tây Sơn. Huỳnh Văn Minh (Phú Hội, Cát Tài) đỗ cử nhân khoa Canh Tỵ (1821), khai khoa cử nhân của Bình Định. Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển (Vĩnh Ân, Cát Hanh), Hội nguyên khao Đinh Mão (1847) lúc mới 20 tuổi, từng là Đốc học tỉnh Bình Định, tác giả cuốn “Đồ bàn thành ký”. Qua các thời kỳ, Phù Cát có nhiều người thành đạt và nổi tiếng trên hầu hết các lĩnh vực.